Đánh giá Doraemon

Nhận xét

Doraemon không chỉ là một bộ manga được ưa chuộng mà nó còn được coi là một tác phẩm có tác động tích cực tới nhiều mặt của trẻ em Nhật và các nước trên thế giới. Theo phân tích của Anne Allison thì điều làm Doraemon được độc giả yêu quý nhất không phải là những bảo bối thần kỳ mà chính là tình bạn của chú mèo máy với cậu bé yếu đuối Nobita.[25] Hình ảnh thân thiện của Doraemon cùng những câu chuyện ngắn gọn, dễ hiểu được cho là đã góp phần thúc đẩy quá trình tập đọc, tập viết của trẻ em Nhật trong những thập niên 1970 và 1980[26]. Những "bảo bối" cũng các câu chuyện phiêu lưu trong Doraemon đã xây dựng cho độc giả nhỏ tuổi sự ham thích tìm hiểu khoa học - công nghệ, đặc biệt là sự ham thích với robot và các ứng dụng của robot trong cuộc sống[27]. Hơn hết cách nhìn tương lai với con mắt tích cực cùng những kết thúc có hậu của các cuộc phiêu lưu trong Doraemon đã giúp trẻ em có được niềm tin vào tương lai cùng bài học "luôn cố gắng tìm ra lời giải" cho những khó khăn gặp phải trong cuộc sống[28].

Với những thế hệ độc giả hâm mộ Doraemon đầu tiên của thập niên 1970 và 1980, trong hoàn cảnh nước Nhật hiện đại ngày nay bộ truyện này còn có thêm một ý nghĩa khác, đó là gợi nhớ lại những quan hệ gia đình gắn bó, sự tôn trọng truyền thống và văn hóa dân gian, vốn đang phai nhạt dần trong xã hội Nhật[29]. Tạp chí TIME Asia đánh giá trong số các "sản phẩm văn hóa" được nước Nhật xuất khẩu ra thế giới thì Doraemon là sản phẩm đáng yêu và giàu tính nhân văn nhất[2]. Có nhiều lý do để Doraemon không chỉ phù hợp với trẻ em Nhật Bản mà còn lôi cuốn được trẻ em ở các nền văn hóa khác, đó là sự hài hước ẩn chứa trong mỗi câu chuyện, đó là những nhân vật gần gũi với trẻ em - độc giả nhỏ tuổi có thể thấy Nobita, Shizuka, Jaian và Suneo cũng có những tật xấu, những rắc rối như chính các em gặp phải ngoài đời, đó là tình yêu với cha mẹ, ông bà, bạn bè và mọi thứ xung quanh, đó còn là niềm tin vào khả năng trong mỗi đứa trẻ - các em tuy có thể nhỏ bé, yếu đuối như Nobita nhưng vẫn có thể "cứu thế giới", thậm chí là "cứu vũ trụ"[30]. Leo Ching trong bài viết của mình cho rằng thành công của Doraemon ở châu Á xuất phát từ việc bộ truyện đã phản ánh được giá trị chung của châu lục này như trí tưởng tượng hay tinh thần trách nhiệm, đây cũng là lý do giúp một sản phẩm văn hóa xuất khẩu khác của Nhật Bản là Oshin phổ biến ở châu Á.[31]

Ở Nhật Bản, Doraemon cùng với Pokémon đều là những biểu tượng văn hóa được đông đảo người Nhật yêu thích, hình ảnh chú mèo máy Doraemon và chú Pokémon đáng yêu Pikachu (nhân vật chính của Pokémon) cùng xuất hiện trên manga, anime và nhiều phương tiện truyền thông khác. Tuy nhiên ở châu ÂuHoa Kỳ, chỉ có hình ảnh của Pikachu là được đông đảo giới trẻ phương Tây biết tới còn Doraemon chủ yếu được trẻ em các nước châu Á hâm mộ[32]. Nguyên nhân đầu tiên giải thích cho sự khác biệt này là do trong Doraemon xuất hiện rất nhiều nét văn hóa Nhật Bản nói riêng và phương Đông nói chung như ngày Tết, quan hệ gắn bó nhiều thế hệ trong gia đình như quan hệ giữa Nobita với cha mẹ, ông bà, những điều này có thể dễ hiểu đối với trẻ em các nước châu Á nhưng lại khó tiếp thu đối với trẻ em phương Tây vốn sống trong nền văn hóa có nhiều sự khác biệt[33]. Nguyên nhân thứ hai là do trẻ em phương Tây, đặc biệt là trẻ em Hoa Kỳ thường yêu thích các truyện tranh có nhân vật chính là những anh hùng hay những người mạnh mẽ, quyết đoán như Người dơi hay Dị nhân, vì vậy dạng nhân vật như Satoshi (chủ nhân của Pikachu) sẽ dễ tiếp cận với các độc giả này hơn là dạng nhân vật hậu đậu, yếu đuối như cậu bé hậu đậu Nobita[34]. Sự khác biệt giữa Satoshi và Nobita cũng là khoảng cách gần 30 năm của văn hóa Nhật những năm 1970 và 1990 - tương đương một thế hệ người Nhật, giữa tác giả và độc giả của hai bộ truyện (Doraemon ra đời năm 1969, Pokémon ra đời năm 1995).[32]

Giải thưởng

Doraemon được coi là một trong những bộ truyện xuất sắc nhất của manga thập niên 1970 và 1980[2]. Bộ truyện này đã được trao nhiều giải thưởng về manga như Giải thưởng Hiệp hội họa sĩ truyện tranh Nhật Bản lần thứ hai (năm 1973)[35], Giải Manga Shogakukan lần thứ nhất dành cho hạng mục truyện tranh thiếu nhi (năm 1982)[36], Giải thưởng Văn hóa Tezuka Osamu lần thứ nhất (năm 1997)[37]. Năm 2005, Doraemon đã xuất hiện trong triển lãm Little Boy: The Arts of Japan's Exploding Subculture do Hiệp hội Nhật Bản tổ chức tại New York với tư cách là một biểu tượng cho nền văn hóa manga của nước Nhật[38].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Doraemon http://shogakukan.asia/doraemon-4/ http://m.baoxxxx/chi-tiet/san-khausachmy-thuat/Nha... http://www.chinadaily.com.cn/citylife/2007-07/03/c... http://www.animenewsnetwork.com/encyclopedia/anime... http://www.animenewsnetwork.com/encyclopedia/anime... http://www.animenewsnetwork.com/news/2005-03-13/do... http://www.animenewsnetwork.com/news/2007-05-29/fa... http://www.asahi.com/tezuka/kiroku.html http://www.asiatraveltoday.com/2012/09/05/doraemon... http://edition.cnn.com/WORLD/9705/02/cartoon.stamp...